Yêu cầu giải trình dự án tái định cư sân bay Long Thành


Hội đồng Thẩm định Nhà nước vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai về dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành). Hội đồng này cho rằng trong tờ trình và báo cáo nghiên cứu khả thi về số hộ bị thu hồi đất, phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhu cầu tái định cư còn nhiều điểm cần làm rõ.

4,71 tỉ đồng/hộ là khá cao

Theo số liệu khảo sát, chỉ có 3.789 hộ dân có nguyện vọng vào khu tái định cư tập trung, thấp hơn số liệu hộ dân tái định cư (4.864 hộ), thấp hơn số liệu dự kiến bố trí vào các khu tái định cư (5.196 hộ) của tỉnh Đồng Nai. “UBND tỉnh Đồng Nai phải kiểm tra, làm rõ và chuẩn xác các thông tin số liệu trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và tờ trình” - Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị.

Về quy mô tái định cư, hội đồng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai giải trình, làm rõ sự cần thiết phải thực hiện đầu tư cả hai khu tái định cư (Lộc An - Bình Sơn và khu dân cư, tái định cư Bình Sơn). Chỉ riêng Lộc An - Bình Sơn với quy hoạch 5.002 lô nhà liền kề, nhà vườn, quy mô dân số 26.500-29.500 người đã vượt nhu cầu tái định cư cho các hộ dân trong khu vực dự án, quy mô dân số cũng cao hơn gần gấp đôi so với nhu cầu.

Yêu cầu giải trình dự án tái định cư sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Khu vực thực hiện dự án tái định cư Lộc An-Bình Sơn. Ảnh: V.HỘI

“Trường hợp bắt buộc phải bố trí tái định cư tại hai khu theo nguyện vọng của người dân, đề nghị làm rõ nhu cầu và dự kiến tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành trong từng khu tái định cư, xác định tỉ lệ góp vốn đầu tư phục vụ công tác tái định cư từng khu tái định cư. Việc đầu tư, phục vụ nhu cầu đô thị của địa phương và các dự án khác không được tính trong tổng mức đầu tư dự án…” - Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông báo.

Về thời gian thu hồi đất, hội đồng đánh giá UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất bắt đầu từ năm 2018, hoàn thành trong năm 2020 là không phù hợp. Vì người dân vào sống trong khu tái định cư sớm nhất phải tháng 7-2019. Riêng khu Bình Sơn sẽ hoàn thiện cho người dân vào ở từ tháng 1-2021. Do đó hội đồng yêu cầu Đồng Nai làm rõ hơn phương án này.

Liên quan đến tổng vốn đầu tư (22.927 tỉ đồng), hội đồng cho rằng theo báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án có tổng số hộ dân bị giải tỏa là 4.864 hộ, suất vốn đầu tư theo hộ dân 4,71 tỉ đồng/hộ là khá cao so với các dự án khác. “Đồng Nai cần làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở tính toán và nguyên nhân suất đầu tư rất cao của dự án” - hội đồng đề nghị.

23.000 tỉ đồng (làm tròn) là tổng vốn đầu tư dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong đó, xây khu tái định cư hơn 4.000 tỉ đồng, tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không gần 480 tỉ đồng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư gần 18.000 tỉ đồng, đào tạo nghề giải quyết việc làm là 388 tỉ đồng...

Phải thực hiện đấu giá

Đối với công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (tổng vốn 17.943 tỉ đồng), hội đồng đề nghị tỉnh Đồng Nai làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở xác định. Cụ thể, giải thích về chi phí bồi thường các loại tài sản khác (200 tỉ đồng), chòi (129 tỉ đồng), một số loại cây ăn quả (100 tỉ đồng), một số cây cảnh (100 tỉ đồng)…

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng chi phí đầu tư xây dựng đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, phân khu 3 khu dân cư - tái định cư Bình Sơn và khu nghĩa trang phục vụ nhu cầu của địa phương là 1.115 tỉ đồng. Tỉnh đề nghị được ngân sách trung ương hỗ trợ trước, tỉnh sẽ hoàn trả sau. Hội đồng khẳng định đề xuất này không phù hợp với quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội. UBND tỉnh Đồng Nai phải bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện.

Hội đồng cũng đề nghị Đồng Nai làm rõ căn cứ pháp lý, cơ sở tính toán, xác định số tiền thu hồi từ việc giao đất ở tái định cư (2.440 tỉ đồng). Việc giao đất, thu hồi tiền sử dụng đất ngoài đất tái định cư phải thực hiện đấu giá theo chỉ đạo của Quốc hội và các quy định hiện hành…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai lên tiếng

. Vì sao số liệu khảo sát chỉ có 3.789 hộ dân có nguyện vọng vào khu tái định cư tập trung, thấp hơn số liệu do tỉnh công bố?

+ Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: Trong số 3.789 hộ đó có thể có những hộ phụ và theo quy định người ta có quyền được tách ra. Đây là số liệu dự kiến, còn thực tế có thể có những hộ dân sẽ vào sống khu tái định cư, có hộ không chịu vào. Về nguyên tắc thì địa phương phải xây dựng khu tái định cư hoàn chỉnh đủ để bố trí cho người dân. Vì vậy thông tin cho rằng tỉnh bố trí tái định cư vượt quá số người quy định tôi cho rằng chưa đầy đủ.

. Hội đồng cho rằng dự án có tổng số hộ dân bị giải tỏa là 4.864 hộ, suất vốn đầu tư là 4,71 tỉ đồng/hộ, khá cao so với các dự án khác?

+ Hiểu như thế là sai, không có chuyện phải bồi thường cho một hộ hơn 4,7 tỉ đồng. Những người có ý kiến đó là chưa hiểu về giải phóng mặt bằng. Đó là con số bình quân. Còn tỉnh phải làm đúng theo quy định, hộ dân đó có bao nhiêu đất, bao nhiêu nhà cửa thì được bồi thường bấy nhiêu. Sau khi Hội đồng Thẩm định Nhà nước có văn bản về nội dung trên thì UBND tỉnh Đồng Nai đã giải trình và gửi lại ngay.

. Từ số liệu của Hội đồng Thẩm định Nhà nước về giá trị bồi thường, có ý kiến cho rằng có sự thông đồng móc nối để bồi thường cao cho người dân…

+ Làm sao mà thông đồng móc nối được, còn bao nhiêu khâu kiểm tra, giám sát. Không ai đi làm chuyện đó cả!

VŨ HỘI thực hiện




Từ Cafef

Nhận xét