Thời gian qua, hệ thống các dự án chung cư (CC) mọc lên dày đặc khắp các quận, huyện ở TP HCM. Tuy nhiên, vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong CC bị nhiều người xem nhẹ. Chỉ sau vụ cháy CC Carina Plaza, vấn đề an toàn PCCC trong CC mới được quan tâm.
Trách nhiệm của cả cộng đồng
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, việc xây dựng, quản lý vận hành hệ thống PCCC CC có thể chia thành 4 giai đoạn: chuẩn bị đầu tư; đầu tư và người dân mua nhà hình thành trong tương lai; vận hành trước khi thành lập ban quản trị (BQT); vận hành sau khi thành lập BQT.
"Đối với mỗi giai đoạn, các cá nhân, tổ chức lại có vai trò khác nhau. Chẳng hạn, ở giai đoạn đầu thì trách nhiệm là của chủ đầu tư (CĐT) nhưng khi đã vận hành và thành lập được BQT thì đơn vị quản lý và cư dân chính là những người chịu trách nhiệm chính" - ông Thành nói.
Bảo đảm an toàn PCCC trong chung cư là trách nhiệm của cả cộng đồng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đồng quan điểm, đại diện công ty quản lý bất động sản Savista cho rằng khi nói về PCCC, người ta thường nghĩ ngay đến trách nhiệm của CĐT mà ít nghĩ đến trách nhiệm của các chủ thể khác. Hiện pháp luật về việc xử phạt hành vi gây mất an toàn PCCC trong CC chưa quy định đến việc phạt từng cá nhân cụ thể nên nhiều người có tâm lý "cha chung không ai khóc", vô tư vi phạm hoặc nhìn người khác vi phạm mà chẳng có phản ứng gì khiến tình trạng mất an toàn PCCC trong CC cao hơn.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Ngọc Thục (Công ty Song Ngọc), hiện quy định khi mua bán, bàn giao nhà, CĐT phải đưa ra được bản thiết kế hay nghiệm thu PCCC. Trên thực tế, có khi CĐT đưa ra, người dân cũng chưa chắc có đủ khả năng đọc và hiểu những văn bản này. Vì vậy, trong bản thiết kế, nghiệm thu PCCC, cơ quan chức năng nên đưa vào những thông tin dễ hiểu, để người mua nhìn vào là có thể biết được.
Về việc CC xây dựng xong, khi đưa vào sử dụng đạt chất lượng nhưng chỉ sau một thời gian vận hành thì có vấn đề, ông Nguyễn Thanh Xuyên - Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng - khẳng định đó là do bảo trì kém và trách nhiệm thuộc về ban quản lý (BQL) và cư dân. Sở Xây dựng đang chuẩn bị kiến nghị lên Bộ Xây dựng hạn chế cho các CC cao tầng để xe dưới tầng hầm, thay vào đó để ở các tầng trên mặt đất. Tầng hầm chỉ dùng cho dịch vụ hoặc tầng kỹ thuật như kinh nghiệm của nước ngoài.
Thị trường căn hộ sẽ không bị ảnh hưởng lâu
Đại tá Nguyễn Văn Băng, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TP HCM, cho biết TP HCM hiện có khoảng 474 CC cũ được xây dựng trước năm 1975 hoặc thập niên 90 trở về trước. Những CC này thường không được lắp đặt hệ thống báo cháy, nếu có thì quá trình duy tu, bảo dưỡng cũng rất hạn chế. Thêm vào đó, các quy chuẩn về cầu thang, hệ thống thoát hiểm… cũng không đạt yêu cầu.
Với các CC, nhà cao tầng xây dựng từ khi có hệ thống quy chuẩn về PCCC, đa số thực hiện nghiêm từ khâu thiết kế, thi công cho tới nghiệm thu. Tuy nhiên, một vài công trình khi sử dụng không duy tu, bảo dưỡng nên hệ thống PCCC không hoạt động.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, vụ cháy CC Carina Plaza đã tác động đến tâm lý, hành vi của người tiêu dùng và trên thực tế đã tác động trực tiếp đến phân khúc thị trường căn hộ CC. Tác động này chỉ có tính ngắn hạn bởi trong quá trình đô thị hóa, phát triển CC và nhà cao tầng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, khách hàng, người tiêu dùng sẽ đòi hỏi, yêu cầu cao và khắt khe hơn về mặt tiện ích, dịch vụ, đặc biệt là tiêu chuẩn an toàn PCCC đối với CĐT dự án CC cao tầng. Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, dĩ nhiên CĐT phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đặc biệt là vấn đề an toàn PCCC.
Ngoài ra, ý thức trách nhiệm và công tác tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan PCCC, chính quyền cấp quận, huyện, phường, xã đối với việc bảo đảm an toàn PCCC CC cũng sẽ được nâng lên. Yêu cầu đặt ra cho các cơ quan chức năng là phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm an toàn cháy nổ tại CC, nhà cao tầng, nhất là trong điều kiện ngày càng có nhiều tòa nhà CC trên 30 tầng.
Công ty 577 khẳng định không từ chối trách nhiệm
Chiều 4-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện pháp luật Công ty CP Đầu tư 577 (viết tắt Công ty 577) cho rằng cần làm rõ khái niệm giữa chủ sở hữu vốn và CĐT. Ở đây, CĐT được các cơ quan nhà nước cấp phép là Công ty Hùng Thanh. Công ty 577 là cổ đông lớn, công ty mẹ của Công ty Hùng Thanh nên có trách nhiệm hỗ trợ. "Chúng tôi chưa bao giờ từ chối trách nhiệm và đã cùng Công ty Hùng Thanh hỗ trợ cư dân CC Carina Plaza. Về vấn đề hình sự, đây là thẩm quyền của các cơ quan bảo vệ pháp luật khi xác định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan" - vị đại diện nêu quan điểm.
P.DŨNG
Phạt chủ đầu tư chung cư Tây Nguyên Plaza
Thông tin từ Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ ngày 4-4 cho biết đã ra quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với CĐT CC Tây Nguyên Plaza (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) về hành vi vi phạm về an toàn PCCC. Trước đó, lực lượng Cảnh sát PCCC đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn PCCC đối với tòa nhà này và lập biên bản vi phạm. Cảnh sát PCCC TP Cần Thơ yêu cầu CĐT phải tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống báo cháy tự động, sửa chữa hệ thống máy bơm PCCC; trang bị, bổ sung bình chữa cháy tại các tầng của tòa nhà và mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc…
C.LINH
Từ Cafef
Nhận xét
Đăng nhận xét