KTS. Hưng Đào - Gã phù thủy nhà ống





Văn phòng của AHL Architects nằm trong con ngõ ngay cạnh quán cà phê lớn trên đường Trần Quốc Toản mà phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy biển hiệu khiêm tốn gắn nơi tường cũ. Tầng trệt được thiết kế với hai màu chính là trắng đen, chỉ rộng chừng 14m2, la liệt mô hình những công trình bằng gỗ, giấy, thép, sắt.



Đào Thanh Hưng (hay được gọi là Hưng Đào) trông khá “bụi bặm” với quần áo toàn một màu đen, đồng hồ mặt to bản, tóc cắt sát...





Trước khi mở công ty riêng, Hưng có 7 năm làm việc tại 4 văn phòng kiến trúc khác nhau với khởi đầu ở công ty của Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và sau đó là 3 công ty nước ngoài. 4 năm đầu tiên với văn phòng Hồ Thiệu Trị cũng là thời gian Hưng học hỏi được điều điều cơ bản nhưng quan trọng nhất về kiến trúc. Sau đó, chàng kiến trúc sư trẻ tuổi sang Singapore làm việc với mục tiêu rất đơn giản “thử một môi trường mới” và “cải thiện vốn tiếng Anh”.



Thế nhưng, dù học hỏi được sự chuẩn mực về quy trình, tiếng Anh tốt lên, tính chuyên nghiệp thì thời gian làm ở nước ngoài chỉ kéo dài 6 tháng vì Hưng “không thích môi trường làm quá máy móc ở đó”. Sau khi thử sức thêm ở 2 văn phòng kiến trúc nước ngoài khác, Hưng quyết định ra riêng.






“Làm ở các công ty nước ngoài, tôi đa phần tham gia những dự án lớn, diện tích sàn có khi đến hàng trăm nghìn m2. Thậm chí, thời ở Singapore, chúng tôi còn làm các dự án chuyên về sân bay, tức là quy mô cực lớn. Đa phần những dự án lớn, thời gian để công trình được hình thành trên thực tế là rất lâu, chưa kể rất khó để kiến trúc sư có thể kiểm soát đến từng chi tiết nhỏ. Với tôi, bản vẽ chỉ đạt 50% kiến trúc. Vậy nên khi mở công ty riêng, tôi thích làm dự án nhỏ và nhà ở là lựa chọn để có thể kiểm soát tốt nhất những chi tiết nhỏ của công trình”, Hưng chia sẻ về lý do mở AHL Architects nhưng không làm công trình lớn.



Khi thành lập văn phòng, Hưng cũng chọn cách làm không giống các đàn anh đi trước (thuê văn phòng hạng A, thiết kế hoành tráng) mà chỉ thuê một văn phòng bé xíu trên phố Trần Quốc Toản. Lý do như Hưng chia sẻ: Văn phòng mới thành lập, tài chính chưa có thì tốt nhất nên tối giản chi phí hằng tháng, tập trung vào thực hiện những cơ hội đầu tiên thật tốt.





Dự án nhà ở đô thị 7 x 18m ở làng Tứ Liên (Hà Nội) là mà một trong những dự án đầu tiên của AHL architects mà Hưng cùng các đồng nghiệp thực hiện được đăng trên ArchDaily - trang mạng về kiến trúc có nhiều người truy cập nhất thế giới.



Cũng nhờ vậy, nhiều người biết đến Hưng hơn và những hợp đồng thiết kế bắt đầu đổ về. Sau đó, AHL Architects cũng có thêm những căn nhà ống rất đặc biệt được lên báo và danh hiệu “kiến trúc sư cứu nhà ống” ra đời. Những căn nhà ống vốn bị gò ép bởi diện tích, thường tạo cảm giác bức bối về không gian ở thì dưới bàn tay của Hưng và đồng nghiệp đã trở thành những không gian có hồn, tràn ngập ánh sáng tự nhiên, cây xanh và có sức sống…









Hưng chia sẻ: “Bài toán cải tạo nhà ống luôn chứa đựng nhiều sự thú vị. Ý tưởng không đến từ những điều viển vông, nó đến từ chính hiện trạng ngôi nhà và nhu cầu của những khách hàng đã được lựa chọn”.



Với những dự án cải tạo, đa phần hệ cấu trúc nhà nguyên bản thường mang tính đại trà, dễ làm, dễ phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng. Để thiết kế lại không gian dựa trên cấu trúc nguyên bản đó và mang vào những nhận diện riêng cho từng khách hàng, Hưng tiết lộ, việc phân tích cặn kẽ hiện trạng sẵn có và nhu cầu mới đưa vào là điều tối quan trọng.





“Rất nhiều trường hợp chúng tôi phải mặc cả với khách hàng về việc cắt giảm những nhu cầu mang tính ‘dự phòng cao’ để nhường chỗ cho những tiện ích trước mắt nhưng rất quan trọng. 3x10 House có thể coi là một dự án điển hình trong việc cải tạo một ngôi nhà ống siêu bé, xen kẹt”, Hưng chia sẻ.



Anh cho biết, ngôi nhà ban đầu có hiện trạng ẩm thấp, cấu trúc đơn giản, rất thiếu ánh sáng tự nhiên. Hầu hết khách hàng có ý định cải tạo nhà ống chỉ nghĩ đơn giản làm sao cho ngôi nhà sạch sẽ hơn, thoáng mát hơn. Còn tâm lý chung của nhiều người là “nhà nhỏ vậy, đẹp sao được”. Thế nhưng, Hưng và các cộng sự của mình không nghĩ vậy ngay cả với căn nhà “siêu ống” 3x10 House.








Bước đầu tiên tiếp nhận dự án, các chức năng bắt buộc có của ngôi nhà được nhóm thiết kế lượng hoá bằng khối tích: liệu nhỏ nhất có thể là bao nhiêu m3 (dài x rộng x cao)? Các khối tích đó được kết nối với giao thông thế nào? Phương án cho giao thông ra sao để không ảnh hưởng đến nguồn sang tự nhiên duy nhất là lấy từ mái xuống? Vật liệu chủ đạo là gì để đảm bảo trong khoảng chi phí đầu tư hữu hạn? Các câu hỏi đó được Hưng và cộng sự giải quyết bằng các phác thảo, mô hình nhiều tỉ lệ, các thử nghệm trên ảnh render…



Sau khi công trình hoàn thành, ngôi nhà thực sự gây bất ngờ không chỉ với chủ nhân mà còn bất ngờ với chính bản thân nhóm thiết kế của Hưng. Hiệu ứng ánh sáng len lỏi qua hệ thang bộ bằng thép đục lỗ, xuống tận không gian tối nhất của nhà trước đây. Một chút cây xanh, bê tông trần và một vài chi tiết nhỏ đã mang lại một sức sống hoàn toàn mới cho ngôi nhà 30m2 trong ngõ nhỏ này…





Cũng giống như một số kiến trúc sư nổi tiếng khác, Hưng nói rằng mình “gặp may” khi có được những khách hàng “chịu chơi” bởi họ dám chịu rủi ro cùng với những mẫu thiết kế của mình. “Khi thiết kế căn nhà 7 x 18m, cũng một phần vì là nhà người quen và mong muốn có một sản phẩm tốt, chúng tôi đã thiết kế miễn phí để sản phẩm được đúng nhất với mong muốn của mình. Nhưng cũng phải nói thật là không có nhiều người cho phép để những khoảng trống và diện tích cho giao thông trong nhà lớn như vậy mà lúc đó tôi mới làm, chưa có tiếng tăm gì nên chỉ có thể thuyết phục khách hàng với phương án kiến trúc thôi”, Hưng tâm sự.



Bật mí về bí quyết thuyết phục, Hưng nói: “Chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu xem sẽ để dành lại bao nhiêu diện tích cho khoảng trống, cho giao thông vì đối với chúng tôi, giao thông là điểm mấu chốt tạo nên cấu trúc một dự án. Chúng tôi luôn bắt đầu từ giao thông…””. Tuy nhiên, khi giải thích cho khách hàng về việc để diện tích khoảng trống và giao thông lớn, Hưng rất ít khi nói về chuyện “cái đẹp”. Thực tế là nhiều người sẽ quy giá trị lượng diện tích họ “bị mất” là tiền tỷ và thường hỏi tại sao dùng nhiều diện tích như vậy cho việc đó thay vì thiết kế vào không gian các phòng.






“Giải thích kiểu đó không được do mỗi người có một quan điểm về cái đẹp, tranh cãi thế chẳng bao giờ ngã ngũ được. Thay vào đó, tôi chỉ cho họ cái được khi thực hiện thiết kế này, vượt qua cả những thứ họ ‘mất’ đi: Không khí ở thoáng đãng, không gian cây xanh thay vì chỉ có tường, sự liên kết giữa các cá nhân với nhau thay vì tách rời từng người trong không gian chung sống”, kiến trúc sư “cứu nhà ống” phân tích.



Chỉ đến khi công trình nhà 7 x 18m được hoàn thành và đưa vào sử dụng, chủ nhà mới thực sự hiểu rõ các giá trị trong thiết kế mà Hưng và các đồng nghiệp đem lại. Còn trước đó thì như Hưng nhận xét: “Khách hàng đôi khi cũng phải chịu rủi ro với chúng tôi, nhiều khi thăng hoa, có khi phải trả giá”.






Một khách hàng đặc biệt khác là chủ nhân của căn nhà 3 x 10m cùng yêu cầu cải tạo lại ngôi nhà đã hơn 20 năm tuổi, người chồng bằng tuổi Hưng. Thời điểm làm ngôi nhà này, phí thiết kế của Hưng cũng khá cao so với mặt bằng chung. Thế nhưng, kiến trúc sư này tiết lộ: “Sau khi tìm hiểu và trao đổi, bạn chủ nhà không đàm phán gì về phí thiết kế như những người khác mà nói rằng: ‘Tôi có từng đó tiền, ông có thể lấy bao nhiêu phí thiết kế cũng được nhưng số còn lại phải đủ xây một căn nhà tốt là ổn’. Mình bị sốc với đề nghị đó!”.



Sau đó, Hưng chỉ lấy một mức phí thiết kế vừa phải. Riêng phần thi công đến Tết Âm lịch năm 2016 lẽ ra phải hoàn thành thì Hưng nhận thấy chất lượng thi công không ổn. Thay vì sửa chữa, Hưng nói với chủ nhà chưa nên về và sẽ làm lại, tự chịu chi phí phát sinh.





Phải 6 tháng sau, công trình mới hoàn thành và căn nhà này cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hưng có biệt danh “kiến trúc sư cứu nhà ống” và “phủ sóng” khắp các báo, trang mạng về kiến trúc năm 2016. Thế nhưng, một anh bạn trong ngành nói với Hưng: “Làm kiểu như vậy chỉ có… đói!”.



Tuy nhiên, Hưng giải thích: “Chúng tôi vẫn có sự tỉnh táo trong tài chính. Chúng tôi biết cân đối tình hình chung về tài chính của văn phòng, để biết rằng mình cần phải làm gì”. Tổng kết về những khách hàng của mình, Hưng đúc rút: “Đó là những người tuổi 40, có người chưa giàu nhưng vẫn sẵn sàng trả một một mức phí cao để có một ngôi nhà được thiết kế tốt”.








Trong phần giới thiệu về công ty kiến trúc của mình, thay vì giới thiệu những điều thú vị, Hưng lại khuyến cáo khách hàng cần tìm hiểu kỹ và phí thiết kế cao. Mức phí thiết kế nhà ở của AHL Architects thường cao gấp 3-4 lần so với mức phổ biến trên thị trường và “không mặc cả”. Bên cạnh đó, văn phòng kiến trúc của Hưng thường yêu cầu đảm nhận luôn việc thi công và tính phí khá cao so với mặt bằng chung.



“Chúng tôi chỉ chi phí lấy đúng với công sức của mình, đúng giá trị mà chúng tôi mang lại cho khách hàng và thực tiện tốt dự án, không tham nhũng. Khách hàng đã chọn thì cần tin chúng tôi, còn nếu đã không tin tưởng nhau thì phải dừng dự án”, Giám đốc AHL Architects chia sẻ.






Hưng cho biết, cuối năm 2016, khi gần hoàn tất một dự án cho khách hàng nhưng anh quyết định dừng dự án vào những ngày cuối của năm và không lấy phí quản lý thi công khi xảy ra tranh cãi với khách hàng. “Số tiền không nhỏ nhưng chúng tôi có nhiều việc khác phải làm và buộc phải dừng để bảo vệ uy tín của mình, chứ không muốn mất thời gian vào việc nghi ngờ, trách móc nhau”.



Trên fanpage của công ty, Hưng dành hẳn một thông báo ngay ở đầu về việc sẽ từ chối đề nghị đi tham quan các công trình mà AHL Architects từng thiết kế vì phải tôn trọng sự riêng tư của chủ nhà. Thêm vào đó, “Khách hàng trả tiền thiết kế phí để nhận được những điều mới mẻ, cho riêng mình chứ không phải lặp lại những gì AHL đã làm”.



Khi nhận công trình, ngoài việc dành nhiều thời gian cho việc phân tích, lên phương án thiết kế, Hưng và các đồng nghiệp cũng bỏ nhiều công sức để làm các mô hình với các tỷ lệ cũng như chất liệu khác nhau của ngôi nhà để phục vụ việc nghiên cứu. Kiến trúc sư này chia sẻ: “Ở các nước khác thì đây là điều cơ bản trong các bước làm thiết kế nhưng Việt Nam thì ít làm. Thế nhưng, bản vẽ 2D hay 3D sẽ không giúp người thiết kế hay khách hàng hình dung được hết không gian của công trình. Trong khi đó, với chơi không gian, kiến trúc sư cần cái nhìn trực quan nhất, để điều chỉnh nếu cần”.










Từ Cafef

Nhận xét