Khép kín, đồng bộ Vành đai 1
Trong những năm qua, Hà Nội đã quyết tâm đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 1 theo quy hoạch từ đê Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân - Ðại Cồ Việt - Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ðoạn Hoàng Cầu - Voi Phục là nút thắt cuối cùng để khép kín, đồng bộ toàn tuyến đường Vành đai 1 quan trọng này, nhằm kết nối từ Ðông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội.
Với mục tiêu liên thông toàn tuyến Vành đai 1, bảo đảm đồng bộ theo quy hoạch, Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp TP Hà Nội (gọi tắt Ban Quản lý dự án), được UBND TP giao làm đại diện chủ đầu tư dự án, đã phối hợp với các sở, ngành hoàn chỉnh Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.
Dự án đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thông qua chủ trương đầu tư; Sở Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức thẩm định, có ý kiến tham gia của các sở, ngành, UBND quận Ðống Ða, Ba Ðình, báo cáo Hội đồng thẩm định dự án thành phố, HÐND thành phố thông qua chủ trương đầu tư bố trí đủ nguồn vốn thực hiện dự án trong kế hoạch đầu tư công 2017-2020 theo quy định.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của các Bộ, hoàn chỉnh các nội dung liên quan đến chủ trương đầu tư dự án, UBND TP Hà Nội đã có Tờ trình số 142/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét. Ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 2113/QÐ - TTg. Dự án cũng đã được đưa vào danh mục các công trình trọng điểm do Thành ủy, HÐND, UBND TP thông qua. “Thành phố xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực để chỉ đạo thực hiện, hoàn thành dự án trong giai đoạn 2016 - 2020”, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết.
Theo đánh giá, việc triển khai tiếp tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục), là vô cùng cần thiết, phát huy hiệu quả đầu tư toàn tuyến, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, tăng tỷ lệ và mật độ đường giao thông trong khu vực nội thành. Ðồng thời đáp ứng được vấn đề phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Quyết tâm hoàn thành vào năm 2020
Theo ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án Ðầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp TP Hà Nội, tận cuối năm 2017 dự án mới được Thủ tướng duyệt chủ trương đầu tư, sau đó mới thực hiện các bước tiếp theo triển khai dự án. Nhưng với sự quyết liệt của thành phố Hà Nội cũng như kinh nghiệm của Ban Quản lý dự án, dự kiến dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020.
Ðại diện Ban Quản lý dự án cũng cho biết, dù thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều, nhưng Ban Quản lý dự án đã đặt ra những mốc cụ thể, quyết tâm phấn đấu hoàn thành đúng kế hoạch. Theo đó, tuyến đường có chiều dài 2.274 m, mặt cắt ngang rộng 50m, diện tích khoảng 153.341 m2 (bao gồm 2 cầu vượt trực thông theo hướng đường Vành đai 1 tại các nút Giảng Võ - Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh).
Dự án được đầu tư xây dựng hạng mục bãi đỗ xe, cây xanh, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, gồm vỉa hè phía Nam đường Ðê La Thành tại phần dải đất giữa đường Vành đai 1 và đường Ðê La Thành đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ với diện tích khoảng 6.083m2. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.779 tỷ đồng, trong đó tiền xây lắp chỉ 785 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 6.000 tỷ đồng, được bố trí từ nguồn ngân sách thành phố và các nguồn khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020.
Một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình thực hiện dự án là bố trí tái định cư cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng. “Ðến nay, nhà tái định cư đã được Sở Xây dựng bố trí từ 5 dự án như tại Khu đô thị Nam Trung Yên; Dự án tổ hợp nhà ở - trung tâm thương mại - siêu thị và văn phòng gần Big C (quận Cầu Giấy); Dự án xây dựng nhà CT3-CT4 Xuân La (quận Tây Hồ); Dự án khu nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Công an. Người dân có sự lựa chọn tốt nhất, gồm nhận nhà tái định cư, nhận tái định cư bằng tiền và nhận nhà tạm cư trong quá trình chờ nhà tái định cư. Các tòa nhà xây phục vụ dự án đều được kiểm tra đảm bảo chất lượng tốt”, ông Bảo cho biết.
Ðại diện Ban Quản lý dự án cho biết thêm, thành phố đã có những chính sách tốt cho người dân trong diện giải phóng mặt bằng. “Những chính sách này được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân vì mục tiêu chung để phát triển thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại”, vị cán bộ cho hay.
Ðường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục), có chiều dài khoảng 2,27km, mặt cắt ngang 50m. Tổng số các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng khoảng 2.328 hộ, trong đó địa bàn quận Ðống Ða là 808 hộ, địa bàn quận Ba Ðình 1.520 hộ; Nhu cầu tái định cư khoảng 2.239 căn hộ. Giá đền bù, được thực hiện theo Quyết định 96/2014/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2015-2019.
Từ Cafef
Nhận xét
Đăng nhận xét