Nhiều dự án BOT đang mắc kẹt


Tuy nhiên, sự gia tăng quá mức số dự án, số trạm BOT, mức thu phí BOT đang chịu “ném đá” của dư luận. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư BOT, đặc biệt là những nhà đầu tư thực chất đang tiến thoái lưỡng nan trong làn sóng dư luận cùng những vướng mắc của cơ chế chính sách.



Ào ào đổ vào dự án BOT



Vài năm trước, BOT giao thông là từ khoá nóng thu hút nhiều nhà đầu tư với hàng chục dự án khởi công và khánh thành rình rang thì nay mảnh đất này đang dần mất điểm với nhiều nhà đầu tư. Ở một số dự án đã triển khai thu phí, do không dự tính được chính xác lưu lượng phương tiện, các nhà đầu tư đã mắc kẹt “đi không được ở không xong” khi tiền hoàn vốn từ thu phí không đủ để trả lãi ngân hàng. Chưa kể, lợi nhuận đã thấp, thời gian hoàn vốn kéo dài, nhiều nhà đầu tư dự án BOT thời gian qua còn phải đối mặt thua lỗ nặng do không lường trước hết các rủi ro.



Đại diện Tập đoàn Cienco4 cho biết, đơn vị đang lo phá sản do dự án BOT Thái Nguyên – Chợ Mới chậm thu phí. Chủ đầu tư dự án tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức BOT liên tục gửi công văn lên Bộ GTVT “khẩn cầu thực hiện thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ” trong tháng 11.2017. Hội đồng nghiệm thu của Bộ GTVT đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 18.5.2017.



Tuy nhiên, tới nay dự án vẫn chưa được thu phí hoàn vốn và việc này khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn về tài chính để trả nợ lãi vay cho Ngân hàng (khoảng 16 tỷ đồng/tháng) cũng như thanh toán chi phí duy trì hoạt động của DN dự án và bảo dưỡng thường xuyên (khoảng 0,7 tỉ đồng). Tính từ tháng 1/2017 đến nay tổng các chi phí phát sinh đã lên tới 160 tỷ đồng và từ tháng 11.2017 đơn vị này sẽ phải trả thêm nợ gốc cho Ngân hàng.



Việc mất cân đối trầm trọng trong phương án tài chính của dự án này khiến các nhà đầu tư có nguy cơ phá sản và bị siết nợ. Ở một số dự án đã khởi công nhưng chưa thu phí, tình trạng thiếu vốn, sợ kém hiệu quả cũng khiến một số nhà đầu tư tháo chạy.




<br/>.Tuyến đường Thái Nguyên- Chợ Mới.<br/>



.Tuyến đường Thái Nguyên- Chợ Mới.




Tiêu biểu nhất là dự án gần 12.000 tỉ đồng BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án này được khởi công từ tháng 10.2015 và dự kiến hoàn thành trước 31.12.2018. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lần lượt tháo chạy mà đầu tiên là Cty TNHH MTV Đầu tư SCIC chỉ đúng một tháng sau khi động thổ dự án. Việc SCIC rút đi khiến cho liên danh nhà đầu tư dự án từ chỗ 6 DN tụt xuống chỉ còn 5 và không lâu sau đó một DN nữa là Cty CP Đầu tư và Xây dựng GT Phương Thành xin giảm tỉ lệ đầu tư từ 25% xuống chỉ còn 5%. Và tới tháng 3.2017, liên danh này chính thức ra khỏi dự án khi không thể huy động đủ vốn theo quy định và buộc Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng.



Gian nan



Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng cho rằng, các nhà đầu tư BOT thấy không hiệu quả thì rút nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là tắc vốn. Bên cạnh đó, cơ chế triển khai các dự án BOT đang khắc phục các lỗ hổng nên sẽ siết lại chặt hơn khiến các nhà đầu tư “thấy khó ăn thì rút”.



Các chuyên gia đều nhận định trong thời gian tới các dự án BOT sẽ gặp khó trong việc thu hút vốn đầu tư và Nhà nước sẽ phải giải bài toán khó về cơ chế để làm sao vừa đảm bảo động viên được nhà đầu tư mà vẫn đáp ứng được nguyện vọng, quyền lợi của người dân.



Đại diện Cienco4 cho rằng, đứng trước muôn vàn khó khăn và quan trọng là không để doanh nghiệp phá sản, đơn vị đã khẩn thiết đề nghị Bộ GTVT quyết định phương án giảm giá theo phương án giảm giá nhà nước đầu tư đã thống nhất với địa phương và cho phép doanh nghiệp dự án tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ để hoàn vốn cho dự án trong tháng 11.2017.



Ngoài ra, phía nhà đầu tư mong muốn được xem xét đề xuất của địa phương về việc đầu tư bổ sung các hạng mục ngoài phạm vi của dự án đã được phê duyệt. Tuyến đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) là tuyến có nhiều thuận lợi khai thác, thi công; được đầu tư theo hình thức BOT do Cienco4 và Công ty Tuấn Lộc – Trường Lộc làm chủ đầu tư, được tiến hành thu phí trong vòng 20 năm để hoàn vốn.







Từ Cafef

Nhận xét