Time Share là gì?

Trong những năm gần đây, bất động sản nghỉ dưỡng đã trở nên sôi động, trở thành lựa chọn của nhiều nhà đầu tư. Cùng với đó là hàng loạt khái niệm mới gắn liền với phân khúc này xuất hiện. Trong đó, có hình thức mới lạ time share
Hai chữ time share xuất hiện khá nhiều trong các quảng cáo của nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Theo mô tả của những quảng cáo này thì time share được cho là một kênh đầu tư sinh lời mới, nhà đầu tư sẽ sở hữu căn hộ và hưởng lợi nhuận theo thời gian, tỷ lệ nhất định với chủ đầu tư. Time Share giúp cho nhà đầu tư hưởng lợi nhuận lâu dài và chia sẻ kỳ nghỉ với danh sách các resort có tên trong danh sách… nhà đầu tư cũng có quyền trao đổi, sang nhượng lại time share mà vẫn đảm bảo lợi nhuận hấp dẫn… Time share nhận được sự chú ý của không ít nhà đầu tư song không phải nhà đầu tư nào cũng am tường về hình thức kinh doanh mới mẻ này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Time share là hình thức nghỉ dưỡng phổ biến và có lịch sử lâu đời tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng hiện tại ở Việt Nam không theo mô hình time share một cách đúng nghĩa. Mô hình time share được hiểu đơn giản là chủ đầu tư xây dựng bất động sản nghỉ dưỡng, sau đó nhiều khách hàng sẽ góp tiền vào mua những ngày nghỉ nhất định trong bất động sản đó trong khoảng thời gian bao nhiêu năm. Những nhà đầu tư này hoàn toàn không có chủ quyền sở hữu căn hộ mà chỉ là mua những ngày nghĩ dưỡng tại đó mà thôi.
“Ở Việt Nam nhiều dự án được gọi là time share nhưng thực chất là bán hẳn cho nhà đầu tư, họ có quyền sở hữu, được cấp sổ. Tuy nhiên, những người này chỉ sử dụng một số ngày nghỉ nhất định để nghỉ dưỡng, thời gian còn lại họ sẽ giao lại cho chủ đầu tư hoặc tự tìm các công ty môi giới, du lịch để cho thuê lại. Thành ra hình thức của mình không thể gọi là time share mà đó là hình thức bán căn hộ”, Tiến sĩ Hiếu nói.
Thực tế, tại Việt Nam, time share thường được gắn liền với mô hình condotel. Theo kiểu sở hữu condotel và tham gia chường trình time share. Có nghĩa là người mua sẽ trả tiền trước cho kỳ nghỉ của mình.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty địa ốc Việt An Hòa, so với việc trả tiền để đi nghỉ dưỡng hàng năm thì hình thức time share có ưu điểm là mua trước ngày nghỉ với giá tiền thấp hơn bình thường và có thể trao đổi kỳ nghỉ ở nhiều địa điểm khác nhau, được ưu tiên giữ chỗ trước… Với các Resort hay khách sạn cao cấp, time share giúp họ có một số lượng khách hàng ổn định.
Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này là sự cố định về thời gian khiến cho khách hàng khó có thể mua và khai thác hết giá trị của kỳ nghỉ. Mặt khác, loại hình này thường chỉ dành cho những khu du lịch nghỉ dưỡng đắng cấp từ 4 – 5 sao trở lên. Và họ phải có một hệ thống toàn cầu, để dễ dàng trao đổi kỳ nghỉ với nhau. Ở Việt Nam thì số lượng các dự án bất động sản còn khá khiêm tốn, nên không tạo ra được sự đa dạng, phong phú để trao đổi kỳ nghỉ.
Một nhà đầu tư cho biết, nhiểu người mua chỉ chăm chăm vào bề nổi của time share, cứ nghĩ mình có lợi khi mua được kỳ nghỉ giá rẻ và được trao đổi nhiều địa điểm. Nhưng trong thực tế hoàn toàn không phải. “Ví dụ, nếu bỏ khoảng 250 triệu cho kỳ nghỉ 7 ngày trong một năm, và kéo dài khoảng 20 năm bạn cho rằng giá rẻ. Tuy nhiên, căn hộ này thực tế có đến 52 người chủ sở hữu khác, tương ứng theo 52 tuần trong năm. Như vậy, nếu nhân số lượng đó lên thì giá trị của căn hộ này không hề nhỏ”, nhà đầu tư này cho biết.
Bên cạnh đó, việc vận hành, bảo dưỡng căn hộ cũng phát sinh nhiều chi phí. Trong khi việc trao đổi kỳ nghỉ không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Để tránh rủi ro, ông  Quang cho rằng, nhà đầu tư khi quan tâm đến hình thức này thì phải xem xét kỹ các yếu tố như uy tín chủ đầu tư, tài chính, quỹ thời gian của mình, vị trí của dự án, đơn vị quản lý…
Tiến sĩ  Hiếu cho biết thêm, time share vẫn là hình thức mà bất động sản chưa được định hình rõ ràng trong pháp luật Việt Nam. Về mặt pháp lý đang nhập nhằng do đó nhà đầu tư phải cẩn trọng.

Nhận xét