Sở Xây dựng Khánh Hòa nói gì về vụ tranh chấp gay gắt giữa chủ dự án Panorama Nha Trang và Coteccons?


Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu của công ty tư vấn về việc đề nghị Coteccons thay đổi thiết kế, nâng thêm 4 tầng tại dự án để phát triển thành phòng khách sạn và các dịch vụ liên quan, nên nhà thầu kiên quyết từ chối. Bắt đầu từ đây, mọi tranh chấp, mâu thuẫn đã "bùng nổ" lên đỉnh điểm. Hiện tại, các bên đang mong chờ các cơ quan chức năng địa phương nhanh chóng vào cuộc nhằm có giải pháp làm lắng dịu tình hình.

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, chính quyền địa phương - các sở ngành cũng như UBND tỉnh vẫn chưa có một động thái can thiệp nào, thì chiều tối ngày 8/12, công ty Vịnh Nha Trang làm sự việc thêm "nóng" khi phát ra văn bản được xem là "tối hậu thư" buộc nhà thầu phải di dời 2 giàn cẩu tháp bị gãy sập đang nằm tại tầng 26 của công trình và các thiết bị xây dựng liên quan. Theo đó, ngày 10/12 là hạn cuối cùng, nhà thầu phải cử đại diện có mặt tại công trường để tiến hành di dời.

Về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi sáng hôm nay (9/12), đại diện phía nhà thầu cho rằng CTD đã có văn bản phản hồi hỏa tốc gửi chủ đầu tư dự án, theo đó không đồng ý bất kỳ hành động đơn phương nào làm thay đổi hiện trạng công trường một khi lệnh phong tỏa vẫn còn hiệu lực. Trong khi đó, 2 giàn cẩu tháp trị giá gần 20 tỷ đồng đã được bảo hiểm và đang được các bên liên quan tiến hành các thủ tục đánh giá thiệt hải để thực hiện bồi thường.

"Nếu nhà thầu không chịu tháo dỡ khắc phục sự cố thì chủ đầu tư sẽ có quyền thực hiện. Trường hợp này, nhà thầu đã có biện pháp đầy đủ, cam kết thời gian rõ ràng (15 ngày) nhưng bị chủ đầu tư ngăn cản. Vì vậy, Coteccons khẳng định việc tháo dỡ thiết bị theo thông báo của Vịnh Nha Trang là không đúng trình tự quy định pháp luật nên Coteccons không đồng ý, và Vịnh Nha Trang sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm về chi phí, hư hỏng hoặc mị tổn thất khác (nếu có) khi tự ý tháo dỡ thiết bị của nhà thầu và thầu phụ Zeno", ông Đặng Hoài Nam - Trưởng Ban Pháp chế công ty CTD, khẳng định.

Cũng theo ông Nam, trước đây khi thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khắc phục sự cố giàn cẩu tháp sập sau cơn bão số 12, CTD đã gửi đi văn bản thể hiện các phương án tháo dỡ rất cụ thể nhưng đã bị phía Vịnh Nha Trang từ chối, phong tỏa hiện trường nên đến nay nhà thầu không thể làm gì được do không tiếp cận được công trường. Trong khi đó, "tối hậu thư" của Vịnh Nha Trang mới đây không nêu rõ phương án tháo dỡ, can thiệp bất hợp pháp đến tài sản vẫn còn giá trị của nhà thầu. Do vậy, phía CTD cho rằng văn bản của Vịnh Nha Trang không có giá trị với các bên liên quan.

Về các vấn đề trên, ông Lê Chí Nguyện - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng cho biết cơ quan chức năng trên địa bàn đã nắm bắt được tình hình cuộc tranh chấp này, ngay cả Sở Xây dựng cũng đã triệu tập một cuộc họp có mặt đại diện của chủ đầu tư và nhà thầu nhưng chưa đâu vào đâu.

"Sở xây dựng đến thời điểm này chưa hề nhận được bất kỳ một văn bản nào về việc chủ đầu tư xin thay đổi thiết kế, nâng thêm 4 tầng dự án. Tư vấn dù có muốn đề xuất gì đi nữa thì cũng phải làm việc với chủ đầu tư để họ chính thức gửi văn bản chứ Tư vấn không đủ chức năng để xin thay đổi thiết kế", ông Nguyện nói thêm.

Cũng theo ông Nguyện, Sở Xây dựng cũng đang nghiên cứu các tài liệu liên quan của cả hai bên do hợp đồng của hai công ty toàn do luật sư soạn ra nên cơ quan chức năng phải nghiên cứu kỹ, nếu không ra văn bản can thiệp không đúng sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp .

"Bản chất cuộc tranh chấp này là dân sự nên chúng tôi không thể can thiệp bằng các văn bản hành chính. Vấn đề hiện nay, thuộc thẩm quyền quản lý về xây dựng, chúng tôi chỉ kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cao nhất cho tài sản và tính mạng của người dân vì 2 giàn cẩu tháp vẫn còn treo lơ lửng trên công trường. Theo tôi, cuộc tranh chấp này chắc chắn phải nhờ tòa án giải quyết", ông Nguyện thông tin thêm.

Còn theo ông Trần Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, cơ quan chức năng cũng đã tiếp xúc với hai bên để nắm tình hình. Tuy nhiên, các bên vẫn giữ quan điểm riêng, không hóa giải được. Sở Xây dựng đã ra văn bản hướng dẫn nhà đầu tư gửi đến đến tòa án để giải quyết. Trước mắt Sở đã yêu cầu các bên tiến hành neo giữ giàn cẩu tháp một cách an toàn trước khi thực hiện các biện pháp tháo dỡ.

Trả lời việc có hay không chủ đầu tư Vịnh Nha Trang đã khởi công dự án trước khi được cấp giấy phép xây dựng. Ông Thọ cho rằng để tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án thực hiện theo tiến độ tại Giấy chứng nhận đầu tư, trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục liên quan, trình cơ quan chức năng cấp giấy phép xây dựng và tổ chức thi công công trình, ngày 11/5/2016, UBND tỉnh ra Văn bản số 3063/UBND-XDNĐ đồng ý chủ trương cho phép chủ đầu tư được triển khai thực hiện trước một số việc như: gia cố bổ sung phần cọc, tường vây, móng công trình do nhà đầu tư cũ đã thi công dở dang và bổ sung các hạng mục phụ trợ của dự án Trung tâm thương mại Hà Quang ( nay là dự án Panorama Nha Trang).

Sau đó, đến ngày 18/01/2017, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mới cấp giấy phép xây dựng số 12/GPXD-SXD cho công ty Vịnh Nha Trang được phép xây dựng phần ngầm công trình. Tiếp đó, ngày 18/4/2017, Sở Xây dựng mới cấp tiếp giấy phép xây dựng số 55 cho doanh nghiệp này được phép xây dựng công trình thuộc dự án Panorama Nha Trang (phần thân).





Từ Cafef

Nhận xét